Giá laptop, linh kiện máy tính sắp tăng mạnh do ảnh hưởng tỷ giá. Ảnh: Phương Lâm. |
Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá giữa Đồng Việt Nam và USD thời gian qua. Điều này gây áp lực lên các mặt hàng điện tử nhập khẩu. Đại lý, nhà phân phối cho biết thị trường sản phẩm laptop, máy tính cá nhân sắp có biến động mạnh về giá.
Theo đó, giá sản phẩm sẽ sớm tăng 500.000-1 triệu đồng tùy model. Mức này tương đương với khoảng tăng giá của đồng USD. Nguyên nhân được đưa ra là bởi mặt hàng này được thanh toán chủ yếu bằng ngoại tệ, không có sản xuất trong nước.
theo Zing, đưa tin giá USD tăng đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá bán lẻ mặt hàng laptop nhập khẩu. Theo đó, từ đầu tháng 10, nhà phân phối đã nâng giá thiết bị 1-5 triệu đồng tùy model. Như vậy, mức mới đã được áp dụng khoảng 3 tuần.
Tỷ giá USD tăng, kéo theo giá sản phẩm máy tính trong nước. Ảnh: LH. |
Trong khi đó, một số cửa hàng máy tính tại quận 1, TP.HCM cho biết phía đơn vị phân phối đã báo giá mới cho đối tác bán lẻ. Cụ thể, các mặt hàng sẽ tăng 4-5%. Mức này tương đương của khoảng tăng của USD so với Việt Nam Đồng. Giá của linh kiện PC, laptop sẽ được phía nhà phân phối cập nhật liên tục theo giá USD. Mức chốt được tính ngay thời điểm nhập hàng của phía đại lý.
Thông tin tăng giá sản phẩm cũng được xác nhận bởi đại diện các hãng máy tính. Trả lời Zing, ông Lê Mai Thanh, Giám đốc Phát triển thị trường ngành hàng tiêu dùng, Lenovo Việt Nam cho biết tỷ giá thay đổi ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của công ty.
“Tỷ giá ở mức 22.800 đồng/USD ở quý trước nay đã lên 24.600 đồng. Điều này gây áp lực lên cả nhà phân phối lẫn phía hãng, phải cân đối, duy trì lợi nhuận hoạt động. Đồng thời, mức giá đưa ra cần hợp lý cho khả năng của người dùng trong nước”, ông Lê Mai Thanh chia sẻ.
Ông Thế Vương, Giám đốc Sản phẩm của nhà phân phối Mai Hoàng cho biết giá USD đã tăng nhẹ trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, đơn vị này phải “gồng” giữ mức cũ vì kênh phân phối chưa chấp nhận giá mới, thay đổi liên tục. Theo ông Vương, mức tăng của USD còn vượt phần lợi nhuận của nhà phân phối.
“USD tăng mà bán giá cũ là lỗ nặng. Giờ chỉ còn cách nâng cấu trúc giá mới hoặc ngừng, không nhập nữa”, ông Vương nói.
Giám đốc ngành hàng Lenovo Việt Nam cho biết công ty đã cố gắng duy trì, cân đối các chi phí, lợi nhuận để giữ giá sản phẩm. Tuy nhiên, dự báo kinh doanh cho thấy nếu cuối năm giá USD vượt mốc 25.000 đồng, hãng buộc phải tăng giá bán lẻ để cân đối tài chính.
Tuy nhiên, mức tăng được áp dụng cho các lô hàng mới nhập. Trong khi đó, lượng tồn kho tại nhà phân phối với mặt hàng PC, laptop còn rất lớn.
“Sau dịch bệnh, hàng hóa ổn định nhưng nhu cầu từ thị trường không mạnh như trước. Do đó, lượng hàng tồn kho tại đại lý, nhà phân phối còn rất nhiều. Số hàng này vẫn được áp dụng giá cũ. Đến khi toàn bộ sản phẩm được thanh lý, hàng hóa được nhập thêm, khi đó mức tăng mới được áp dụng”, ông Long Tiến nói.
Đại lý, nhà phân phối phải "gồng" để giữ giá sản phẩm ngành hàng PC. Ảnh: LH. |
Thực tế, theo chia sẻ của các đơn vị kinh doanh laptop tại Việt Nam, tình hình kinh doanh từ đầu năm đến nay không khả quan. Lô hàng cũ chưa bán hết đã phải nhập sản phẩm mới, cập nhật cấu hình. Do đó, các đại lý giảm giá sâu những model ra mắt lâu để bán nhanh, cắt lỗ.
Chia sẻ với Zing, phía CellphoneS cho biết họ vẫn còn những mặt hàng cũ, chưa tăng giá ngay lập tức. Đồng thời, đại lý cam kết sẽ cố gắng kéo dài thời gian để khách được mua máy ở mức tốt.
“Chúng tôi ước tính tháng 10 là giai đoạn cuối người dùng được mua laptop giá tốt. Sang tháng 11, 12, nhiều đợt tăng sẽ được áp dụng”, ông Lạc Huy chia sẻ.
Trong khi đó, phía FPT Shop cho biết họ đã chuẩn bị sớm khi có thay đổi tỷ giá. "Chúng tôi đảm bảo nguồn cung, giá nhập để mang đến mức tối ưu cho khách hàng", đại diện FPT Shop chia sẻ.
Tỷ giá USD ảnh hưởng trực tiếp đến giá sản phẩm linh kiện PC, laptop tại Việt Nam. Phía nhà phân phối cho biết họ phải mua USD từ ngân hàng để thanh toán. Do đó, mỗi thay đổi nhỏ của ngoại tệ này cũng nhanh chóng thể hiện lên giá bán của sản phẩm ngoài thị trường.
Đồng thời, mặt hàng này thường có rất nhiều mã sản phẩm và vòng đời ngắn, 2-3 tháng. Do đó, lượng tồn kho sản xuất không nhiều. Mỗi khi có biến động vật tư hoặc tỷ giá, đây là ngành hàng bị ảnh hưởng sớm nhất.
“Chúng tôi đang cố gắng tính toán, cân đối để 2 tuần mới cập nhật giá một lần, theo tình hình thị trường. Tuy nhiên nếu tính sai, giá ngoại tệ tăng 1-2% là coi như lỗ nặng”, ông Thế Vương nói.
Bên cạnh tăng giá, nhà phân phối còn dự tính giảm bớt lượng hàng, mã sản phẩm nhập về bởi nguy cơ thua lỗ và nhu cầu trong nước giảm sút.
Theo Zing - Online